Top 12 mẹo chữa trị viêm đau họng tại nhà đơn giản mà hiệu quả

Cập nhật:

25/5/2023 10:48 AM

Tác giả:

BS. Lại Kiều Hoa

Chia sẻ 12 mẹo chữa trị đau họng - viêm họng tại nhà đơn giản mà hiệu quả cũng như nguyên nhân gây đau họng và các dấu hiệu nhận biết.

Đau họng là một căn bệnh phổ biến ở cả trẻ em và người trưởng thành, song những người tại vùng khí hậu lạnh khô, sống trong môi trường khói bụi hoặc có hệ hô hấp nhạy cảm có xu hướng dễ mắc bệnh này hơn cả. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến đau họng, dấu hiệu và cách chữa như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Tóm Tắt Tin Sức Khỏe [Hiện]

Các nguyên nhân gây viêm họng - đau họng

Có nhiều nguyên nhân gây đau họng bao gồm:

Nhiễm trùng

Nguyên nhân chính gây đau họng là nhiễm trùng. Hầu họng bị một số loại virus xâm nhập và phát triển gây ngứa rát, sưng đỏ và ho. Các bệnh do virus gây ra đau họng bao gồm cảm lạnh thông thường, cúm, mono, bệnh sởi, thủy đậu, croup ở trẻ em.

Bên cạnh đo, đau họng còn do một số loại vi khuẩn tấn công như Chlamydia, tụ cầu, liên cầu nhóm A streptococcus pyogenes,...

Đau họng - Viêm họng
Đau họng - Viêm họng

Di ứng

Cơ thể sẽ phản ứng lại khi tiếp xúc với nấm mốc, phấn hoa, lông thú, bụi bẩn,...khiến dịch mũi chảy ra, gây kích ứng dẫn đến đau và viêm họng.

Đường hô hấp khô

Độ ẩm không khí thấp, đặc biệt vào mùa đông khiến cổ họng cảm thấy thô ráp và ngứa ngáy. Vấn đề nghẹt mũi dẫn đến thở bằng miệng cũng gây đau rát họng.

Chất kích thích

Hệ thống hô hấp tiếp xúc với khói bụi, chất ô nhiễm, khói thuốc lá có thể gây ra viêm họng mãn tính. Ăn đồ ăn cay nóng, uống rượu bia ảnh hưởng đến vòm họng gây kích ứng cổ họng khiến cổ họng nóng rát.

Tác động cơ học

Một số tác động làm căng cơ ở cổ họng như la hét, hát hò, nói to kéo dài sẽ ảnh hưởng đến vòm họng gây khàn tiếng, viêm họng.

Mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh nhân đang mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản sẽ khiến axit trong dạ dày trào ngược lên ống thức ăn, gây viêm niêm mạc dẫn đến đau rát họng.

Các dấu hiệu bao gồm ợ chua, ợ nóng, khàn giọng, cảm giác có khối u trong cổ họng.

Mắc bệnh HIV

Người nhiễm HIV khiến hệ miễn dịch bị suy yếu, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus thông thường xâm nhập. Do vậy, người bị HIV có thể bị đau họng mãn tính hoặc tái phát nhiều lần do nhiễm nấm miệng hoặc nhiễm virus cytomegalovirus.

Đau họng do các khối u

Các khối u phát triển tại cổ họng, lưỡi, thanh quản có thể gây đau họng. Người bệnh có thể có các dấu hiệu như khàn giọng, khó nuốt, thở ồn ào, nổi cục ở cổ, trong đờm hoặc nước bọt có máu.

* Mẹo chăm sóc sức khỏe tại nhà

Cách giảm cân tại nhà

Cách trị mụn trứng cá tại nhà

Chữa nhiệt miệng tại nhà

Cách làm giảm đau bụng kinh tại nhà

Triệu chứng của viêm họng - đau họng

Các triệu chứng của đau họng tùy vào nguyên nhân gây đau họng. Các triệu chứng chung bao gồm:

  • Đau, ngứa họng, cảm thấy khó nuốt nước bọt.
  • Đau, sưng hạch ở cổ hoặc hàm.
  • Amidan sưng đỏ.
  • Amidan có các mảng trắng hoặc mủ.
  • Giọng nói khàn, khó phát thành tiếng.

Khi đau họng kéo dài, dẫn đến nhiễm trùng gây ra những triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi, đau đầu, cơ thể nhức mỏi, buồn nôn, hoặc nôn mửa.

Bệnh nhân không được chữa trị có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm đường hô hấp, hoại tử vùng cổ, áp xe quanh amidan, viêm xoang cấp hoặc nhiễm độc liên cầu.

Top 12 cách chữa viêm họng (đau họng) hiệu quả đơn giản tại nhà

Hiện nay có khá nhiều cách chữa viêm họng (đau họng) hiệu quả, bao gồm cả phương pháp dân gian và phương pháp hiện đại. Sau đây chúng tôi xin gửi bạn một số mẹo chữa viêm họng hữu hiệu được áp dụng phổ biến hiện nay.

cách chữa viêm họng (đau họng) hiệu quả đơn giản tại nhà
Mẹo trị viêm họng (đau họng) hiệu quả đơn giản tại nhà
  1. Chữa đau - viêm họng bằng mật ong
  2. Chữa đau họng bằng chanh
  3. Quất hấp mật ong điều trị viêm họng, đau họng
  4. Cách chữa đau họng bằng gừng
  5. Tía tô trị đau họng
  6. Tỏi trị đau họng hiệu quả
  7. Chữa viêm họng bằng quả lê
  8. Chữa viêm họng bằng cam thảo
  9. Củ cải trắng giảm đau họng
  10. Sử dụng bạc hà điều trị đau họng
  11. Điều trị đau họng bằng trà hoa cúc
  12. Chữa đau họng bằng thuốc
Cách chữa đau (viêm) họng ⭐ Tổng hợp chọn lọc
Đạt hiệu quả cao 5⭐
An toàn tại nhà 5⭐
Phương thuốc dân gian 5⭐

1. Chữa đau - viêm họng bằng mật ong

Mật ong là loại thực phẩm có tính sát khuẩn, có thành phần chống viêm giúp làm sạch vùng họng, làm dịu cảm giác ngứa rát vùng họng. Bên cạnh đỏ, mật ong giúp cơ thể bổ sung vitamin C và E giúp nâng cao sức đề kháng trong cơ thể. Có nhiều bài thuốc sử dụng mật ong để chữa đau họng chẳng hạn như:

Chữa đau - viêm họng bằng mật ong
Chữa đau - viêm họng bằng mật ong
  • Sử dụng mật ong nguyên chất. Hâm nóng mật ong nguyên chất rồi ngập trực tiếp khi còn ấm, thực hiện 3 - 5 lần mỗi ngày. Người bệnh có thể pha mật ong cùng với nước ấm để dùng vào mỗi buổi sáng giúp cổ họng thoải mái hơn.
  • Kết hợp mật ong và chanh đào. Người bệnh uống nước cốt chanh với mật ong pha với tỷ lệ 2 mật ong với 1 nước cốt chanh. Kiên trì sử dụng hàng ngày trong thời gian dài sẽ đem lại hiệu quả.
  • Kết hợp tỏi với mật ong. Tỏi được băm nhuyễn và ngâm với mật ong trong vòng 7 ngày. Sử dụng dung dịch này mỗi ngày.

2. Chữa đau họng bằng chanh

Chanh là loại quả giàu vitamin C, có hàm lượng acid citric lớn có tác dụng làm loãng đờm, giảm đau rát vùng họng. Trong điều trị đau họng, chanh được sử dụng theo nhiều cách khác nhau:

Chữa đau họng bằng chanh
Chữa đau họng bằng chanh
  • Chanh đào ngâm đường phèn. Đây là bài thuốc dân gian được áp dụng phổ biến để thanh nhiệt, tiêu đờm. Người bệnh chuẩn bị khoảng 1 lít mật ong, 1kg chanh đào rửa sạch đã thái lát mỏng và 0.5kg đường phèn. Sử dụng 1 bình thủy tinh ngâm chanh đào, đường phèn và mật ong đã chuẩn bị trước đó, lưu ý nên xếp hết lớp chanh rồi đến lớp đường, lặp đi lặp lại. Đậy kín và sử dụng sau 1 đến 2 tháng. Người bệnh uống 1 đến 2 thìa mỗi ngày để cải thiện tình trạng bệnh.
  • Ngậm chanh tươi.Người bệnh ngậm trực tiếp 1 lát chanh và 1 ít muối trong vòng 10 phút rồi nhả ra. Nếu cảm thấy chua có thể thay muối bằng mật ong.

3. Quất hấp mật ong điều trị viêm họng, đau họng

Không chỉ chanh mà quất cũng có tác dụng chữa đau họng hiệu quả không kém. Trong quất chứa nhiều Vitamin và dưỡng chất giúp nâng cao sức đề kháng và giảm đau họng hiệu quả. Người bệnh bổ đôi quả quất, đổ một ít mật ong vào sau đó hấp cách thủy, có thể hấp khi cắm cơm. Người bệnh ngậm nửa quả quất hàng ngày sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt. Ngoài ra, quất ngâm mật ong khoảng 2 tuần rồi sử dụng cũng mang lại tác dụng tương tự.

Phương pháp này chống chỉ định cho trẻ dưới 1 tuổi, phụ nữ mang thai bị nóng trong, người có tiền sử bị bệnh dạ dày. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng và khi sử dụng không đem lại hiệu quả.

4. Cách chữa đau họng bằng gừng

Theo Đông y, gừng tươi có tác dụng trị họ, tiêu đờm, đau rát họng, khàn tiếng, cải thiện sức đề kháng của người bệnh,...

Theo y học hiện đại, gừng chứa hợp chất Gingerol có khả năng kháng viêm, ức chế virus gây cảm lạnh và viêm họng, nó được sử dụng như một chất chống viêm tự nhiên.

Đối với người bị đau họng, gừng tươi có thể sử dụng theo các cách sau đây:

  • Ngậm vài lát gừng tươi sát hầu họng, ngậm nhiều lần trong ngày để đem lại hiệu quả.
  • Pha trà gừng. Sử dụng 1 củ gừng tươi rửa sạch xắt lát với 250ml nước sôi, sau đó đổ 1 ít mật ong vào khuấy đều và uống. Sử dụng 2 đến 3 lần mỗi ngày.
  • Gừng kết hợp với muối tinh khiết. Sử dụng gừng rửa sạch, giã nát với muối tinh khiết sau đó ngậm trong miệng đến khi không còn mùi vị thì nhả ra. Thực hiện nhiều lần trong ngày.

5. Mẹo trị đau họng bằng lá tía tô

Lá tía tô chứa nhiều tinh dầu, khoáng chất,...rất tốt cho hệ miễn dịch và sức khỏe tai mũi họng. Trong Đông y, lá tía tô có tác dụng diệt khuẩn, chống viêm, thanh lọc cơ thể và có tác dụng bổ phế rất tốt. Có nhiều cách trị đau họng bằng lá tía tô cụ thể như:

Lá tía tô trị đau họng hiệu quả
Lá tía tô trị đau họng hiệu quả
  • Nấu cháo tía tô. Người bệnh sử dụng lá tía tô rửa sạch, thái nhỏ, đợi cháo mềm thì cho lá tía tô vào. Người bệnh nên ăn nóng sẽ thấy ngon hơn.
  • Tía tô kết hợp với các loại thảo dược như hoa khế, hoa đu đủ và đường phèn. Đem tất cả các loại thảo dược rửa sạch và hấp cách thủy khoảng 20 phút. Uống nước cốt 3 lần/ngày.
  • Kết hợp lá tía tô, lá trà xanh, mận tươi, đại táo giã nhuyễn và đun sôi khoảng nửa lít nước trong 20 phút, uống 3 lần mỗi ngày.

Bệnh nhân lưu ý, sử dụng lá tía tô chữa đau họng chỉ có tác dụng với người bệnh có triệu chứng nhẹ, người có sức đề kháng tốt. Nếu người bệnh có triệu chứng nặng nên đến cơ sở y tế để thăm khám và có phương pháp điều trị khác. Ngoài ra, người bệnh không nên sử dụng lá tía tô trong thời gian dài bởi có thể khiến người bệnh choáng váng, mệt mỏi, táo bón,...

6. Tỏi trị đau họng hiệu quả

Tỏi không chỉ được biết đến là gia vị để chế biến các loại món ăn mà còn được biết đến như là một loại thảo dược điều trị các bệnh lý như cảm lạnh, cảm cúm, thấp khớp, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và làm dịu các triệu chứng do viêm họng gây ra. Tỏi là thực phẩm lành tính, ít gây tác dụng phụ nên được sử dụng theo nhiều cách khác nhau chẳng hạn như:

  • Tỏi ngâm giấm. Người bệnh sử dụng tỏi bóc bỏ cho vào lọ thủy tinh đổ đầy giấm. Ngâm trong vòng 30 ngày sau đó đem ra sử dụng. Người bệnh nên kiên trì ngậm tỏi ngâm khoảng 15 phút, thực hiện lâu dài sẽ có tác dụng giảm triệu chứng viêm đau họng, sử dụng hiệu quả để chữa viêm họng mãn tính.
  • Ngâm rượu tỏi. Dùng tỏi đã bóc vỏ ngâm với rượu trắng 45 độ trong khoảng 10 ngày. Khi tỏi chuyển sang màu vàng như nghệ thì bạn có thể dùng. Nên uống rượu tỏi 2 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 40 giọt. Có thể pha với nước ấm để dễ uống hơn.
  • Ăn tỏi nướng. Cách làm này rất đơn giản, bạn chỉ cần nướng tỏi trên bếp đến khi chúng chín thì bóc lớp vỏ bên ngoài ra, lấy phần bên trong nghiền nát và đổ thêm nước ấm vào rồi uống sẽ giúp giảm đau rát họng, khàn tiếng.

Sử dụng tỏi trị đau họng an toàn, tuy nhiên một số người không nên sử dụng như người bị nội nhiệt, âm hư, viêm thận,...

7. Chữa viêm họng bằng quả lê

Quả lê là loại trái cây quen thuộc, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể con người. Ngoài ra, quả lê có công dụng giảm huyết áp, trị táo bón, giảm lượng cholesterol trong máu, ngừa loãng xương, phòng chống ung thư,...và hỗ trợ điều trị viêm đau họng ở trẻ em và người lớn.

Chữa viêm họng bằng quả lê tại nhà
Chữa viêm họng bằng quả lê tại nhà

Để chữa đau họng, bạn có thể tham khảo các cách dưới đây:

  • Uống nước ép lê. Sử dụng lê tươi căng mọng, ép lấy nước cốt để uống khoảng 5 lần mỗi ngày sẽ giúp giảm các cơn đau vùng họng, khàn tiếng.
  • Quả lê kết hợp với mật ong. Người bệnh ninh nhừ khoảng 2kg lê tươi rửa sạch đã được bỏ hạt và vỏ, sau đó vớt ra trộn đều với 1 ít mật ong, sử dụng 2 - 3 thìa hỗn hợp trước hoặc sau bữa ăn.
  • Hấp lê, táo đỏ, gừng và mật ong. Người bệnh chuẩn bị một quả lê nạo bỏ phần ruột sau đó bảo táo đỏ và gừng đã cắt nhỏ vào bên trong quả lê, đổ thêm 1 ít mật ong và đem chưng cách thủy khoảng 20 phút. Lấy ra ăn khi còn ấm.
  • Quả lê kết hợp với quả la hán. Chưng cất quả lê và la hán quả với lượng nước phù hợp, sắc cạn đến khi vừa đủ. Người bệnh nên uống khi còn ấm. Phương pháp này dùng khá nhiều để nấu nước thay cho nước trà, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giảm nhanh các cơn ho và đau rát tại vùng họng.

Mặc dù quả lê có tác dụng giảm nhanh các cơn đau rát tại vùng họng, tuy nhiên người bệnh cần lưu ý một vài vấn đề để bệnh tình không chuyển biến nghiêm trọng:

  • Những người có vấn đề về tiêu hóa như đau dạ dày, bị lạnh bụng, đau bao tử không dùng quả lê để điều trị đau họng.
  • Quả lê không phù hợp với những người bị ho có đờm kéo dài.
  • Không sử dụng đồng thời lê và cua bởi dễ gây tiêu chảy.

8. Chữa viêm họng bằng cam thảo

Theo y học cổ truyền, cam thảo là loại thuốc quý có công dụng giải độc, giảm ho phù hợp với người bị viêm phế quản, đau họng, đau bụng,...

Theo y học hiện đại, cam thảo chứa hơn 300 hoạt chất có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, có tác dụng điều trị viêm da, nhiễm trùng, chữa viêm loét dạ dày, viêm họng, điều trị viêm gan C hiệu quả.

Ứng dụng cam thảo trong điều trị đau họng, người bệnh có thể tham khảo những bài thuốc dưới đây:

  • Pha trà cam thảo với lá sen theo tỷ lệ bằng nhau giúp giảm thiểu triệu chứng đau nhức họng, ho, khàn tiếng,...
  • Cam thảo đem nghiền thành bột, pha với nước sôi và một vài giọt chanh, sử dụng để uống nhiều lần trong ngày.
  • Cam thảo kết hợp nhân sâm, phục linh, bạch truật sắc vào ấm và uống, sử dụng hằng ngày để điều trị đau họng, ho có đờm hiệu quả.

Cam thảo được sử dụng nhiều trong bài thuốc Đông y, tuy nhiên nếu lạm dụng sẽ gây ra một số tác dụng phụ như suy giảm miễn dịch, loét dạ dày, tăng huyết áp,...

Cam thảo cũng không được sử dụng chung với nhân trần hay sử dụng chung với một số loại thuốc huyết áp, thuốc tránh thai, thuốc lợi tiểu,...Đối với nam giới không sử dụng quá 8g/ngày. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ về liệu lượng dùng để mang lại hiệu quả tốt nhất.

9. Củ cải trắng giảm đau họng

Củ cải trắng là thực phẩm được sử dụng hàng ngày nhưng ít ai biết rằng chúng có tác dụng chữa ho, long đờm, lọc gan thận và điều trị một số bệnh về dạ dày, tiêu hóa và tiết niệu.

Người bệnh có thể kết hợp củ cải trắng và gừng tươi bằng cách rửa sạch củ cải trắng ép lấy nước và thêm một chút muối. Khi dùng nước ép củ cải thì ngậm thêm 2-3 lát gừng, sử dụng nhiều lần trong ngày sẽ đẩy lùi viêm họng mà không gây tác dụng phụ. Ngoài ra phương pháp này còn được sử dụng để điều trị bệnh khàn tiếng.

Bệnh nhân cũng có thể kết hợp củ cải trắng với đường phèn hoặc mật ong. Người bệnh chuẩn bị củ cải trắng rửa sạch, thái lát mỏng rồi ngâm với đường phèn hoặc mật ong để qua đêm. Khi sử dụng lấy một thìa nhỏ pha thêm nước nóng, dùng 2-3 lần trong ngày.

10. Sử dụng bạc hà điều trị đau họng

Bạc hà là loại thảo mộc có vị cay, nóng và thơm dịu mát được sử dụng để nâng cao sức đề kháng, làm dịu các cơn ho và tiêu đờm hiệu quả. Cách đơn giản nhất để điều trị bằng lá bạc hà là rửa sạch, nhai dập và nuốt nước từ từ. Người bệnh cũng có thể sử dụng lá bạc hà hãm lấy nước uống như trà. Nên sử dụng vài lần trong ngày để cải thiện tình trạng bệnh.

Lá bạc hà làm giảm đau rát họng
Lá bạc hà làm giảm đau rát họng

Bạc hà kết hợp với lá tràm, lá đại bi, kinh giới, hương nhu, hạt mùi, an tức hương, tất cả được làm khô ngâm trong cồn 80 độ trong 10 đến 15 ngày có thể đem ra sử dụng. Khi dùng nên pha 1 thìa dung dịch với 1 cốc nước sôi để xông mũi họng. Thực hiện thường xuyên giúp giải cảm, chữa viêm họng, viêm mũi, ho rát cổ.

11. Điều trị đau họng bằng trà hoa cúc

Trà hoa cúc được biết đến là loại trà có công dụng giảm đau họng do cảm lạnh, chống oxy hóa, chống nhiễm trùng và bổ sung vitamin C tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Bệnh nhân chuẩn bị khoảng 5 đến 6 bông cúc khô, khoảng 300ml nước sôi và 1 đến 2 lát gừng. Bệnh nhân có thế pha ít nước hơn nếu muốn uống trà đặc. Người bệnh tiến hành ủ trà trong 5 đến 10 phút rồi đem ra sử dụng. Có thể cho thêm mật ong nếu muốn.

Thời điểm tốt nhất để sử dụng trà hoa cúc là khi vừa thức dậy, sau bữa ăn ít nhất 30 phút và trước khi đi ngủ 30 phút.

12. Chữa đau họng bằng thuốc

Bên cạnh những bài thuốc Đông y có tác dụng giảm đau họng, an toàn khi sử dụng, thuốc Tây y cũng có tác dụng tương tự với hiệu quả cao hơn, tuy nhiên cũng gây ra nhiều tác dụng phụ hơn.

Các loại thuốc hoặc thuốc kháng sinh chữa viêm họng
Các loại thuốc hoặc thuốc kháng sinh chữa viêm họng

Tùy vào nguyên nhân gây đau họng mà có phương pháp điều trị khác nhau.

Đối với người bệnh bị đau họng do nhiễm virus thì việc điều trị bằng kháng sinh sẽ không đem lại hiệu quả, lúc này bệnh nhân cần bổ sung nhiều loại thực phẩm để hệ miễn dịch được nâng cao. Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc hạ sốt và giảm đau để hỗ trợ giảm các triệu chứng.

Đối với người bệnh bị đau họng do vi khuẩn thì có thể dùng kháng sinh để điều trị. Sau khi thăm khám, bệnh nhân sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh có thể gây nhờn thuốc, hoặc dùng không đúng liều sẽ khiến tình trạng bệnh trở nặng hơn, gây nhiễm trùng lan rộng đến bộ phận khác, tăng nguy cơ thấp khớp hoặc viêm thận.

Cách phòng tránh đau họng

Đau họng là một bệnh lý thường gặp, do vậy mọi người cần có biện pháp phòng tránh phù hợp để không ra hậu quả nghiêm trọng. Một số biện pháp phòng ngừa cần nắm được như sau:

  • Luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách đối với người có biểu hiện viêm họng, hắt hơi.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng.
  • Giữ cơ thể đủ ấm, đặc biệt vùng cổ, mũi và tai luôn được giữ ấm.
  • Thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý, vệ sinh sạch sẽ răng miệng giúp rửa sạch các loại vi khuẩn tích tụ tại niêm mạc.
  • Hạn chế tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm, hay các nguồn gây dị ứng.
  • Tránh dùng chung các đồ cá nhân như khăn mặt, khăn tắm.
  • Uống đủ nước mỗi ngày, cung cấp cho cơ thể đầy đủ các chất dinh dưỡng.
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích bởi khi niêm mạc họng tiếp xúc với rượu, bia, thuốc lá,...sẽ khiến họng tiết nhiều chất nhờn tạo thành đờm. Quá trình này kéo dài sẽ gây viêm, đau sưng cổ họng, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công.

Như vậy, trên đây là thông tin cơ bản về bệnh đau họng cũng như các phương pháp điều trị phổ biến hiện nay. Chúng tôi hy vọng qua bài viết này, mọi người có thể chủ động hơn trong việc phòng bệnh, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân mình. Chúc các bạn có sức khỏe tốt!

Thai Ha Clinic nơi chia sẻ kiến thức chăm sóc sức khỏe online miễn phí!

Bác sĩ tư vấn bệnh

Theo dõi Google Tin tức của Thai Ha Clinic.

Google Tin tức