Mất ngủ: các nguyên nhân, cách chữa trị và phòng tránh

Cập nhật:

9/8/2023 10:26 AM

Tác giả:

BS. Nguyễn Thị Thoàn

Bạn đang băn khoăn tại sao lại mất ngủ? Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây mất ngủ và các cách chữa trị cũng như phòng tránh căn bệnh này.

Mất ngủ là một vấn đề mà hầu như ai cũng từng gặp phải trong cuộc đời. Tình trạng này kéo dài và diễn ra liên tục, thường xuyên thì không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe mà nó còn là nguyên nhân của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Vậy bệnh mất ngủ là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, cách chữa và cách phòng tránh như thế nào? Để có thể hiểu rõ hơn về loại bệnh này, mời các bạn cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

Tóm Tắt Tin Sức Khỏe [Hiện]

Mất ngủ là gì?

Mất ngủ thực chất là một dạng rối loạn giấc ngủ với nhiều vấn đề như khó ngủ, ngủ không sâu giấc, dễ bị thức giấc và khó quay trở lại giấc ngủ như ban đầu... Đa phần những người gặp phải thường cảm thấy uể oải, mệt mỏi sau khi ngủ dậy, khó ngủ mặc dù luôn có cảm giác buồn ngủ khiến cuộc sống, sinh hoạt bị đảo lộn.

Mất ngủ là gì? Tại sao mất ngủ? phải làm gì để ngủ được
Mất ngủ là gì? Tại sao mất ngủ? phải làm gì để ngủ được

Bệnh mất ngủ thường được chia thành 2 loại chính sau:

Mất ngủ cấp tính

Đây là tình trạng mất ngủ chỉ xuất hiện trong thời gian là vài tuần đến vài tháng. Loại này thường gặp và chiếm khoảng 30 – 40% các trường hợp. Phần lớn nguyên nhân là do các thay đổi thất thường về chế độ sinh hoạt, ăn uống không hợp lý, lành mạnh hoặc do các áp lực từ công việc, cuộc sống.

Cách giải quyết phù hợp với loại mất ngủ này là cải thiện, thay đổi thói quen sinh hoạt sao cho hợp lý. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp xử lý sớm thì bệnh sẽ rất dễ chuyển sang giai đoạn mãn tính.

Mất ngủ mãn tính

Loại mất ngủ này thường kéo dài trên 1 tháng với những triệu chứng như ngủ ít, chỉ ngủ được khoảng 3 – 4 tiếng/ngày, phải mất ít nhất từ 30 phút – trên 1 tiếng mới đi vào giấc ngủ được, thậm chí là ngủ không ngon, dễ bị tỉnh giấc.

Tình trạng này thường bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau như do một số bệnh liên quan đến hệ thần kinh như rối loạn lo âu, stress, trầm cảm..., do các bệnh thực thể như viêm phế quản, đau mỏi khớp, viêm loét dạ dày... hoặc cũng có thể do tác dụng phụ của một số loại thuốc, chất kích thích.

Nếu không kịp thời chữa trị kịp thời, tình trạng mất ngủ mãn tính kéo dài sẽ trở nên trầm trọng hơn kèm theo rất nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với tinh thần, sức khỏe.

Đối tượng dễ bị mất ngủ

Theo nhiều nghiên cứu, bất cứ ai cũng có thể gặp phải bệnh mất ngủ, không phân biệt tuổi tác, giới tính. Đặc biệt, những đối tượng sau thường có nguy cơ cao gặp phải hơn so với những người khác:

  • Người cao tuổi: Đa phần những người ở độ tuổi trung niên và cao niên thường dễ mắc phải các bệnh lý như huyết áp, xương khớp, tiểu đường, tim mạch... và phải sử dụng thuốc điều trị bệnh. Do đó, họ rất dễ gặp phải bệnh mất ngủ.
  • Phụ nữ: So với nam giới, phụ nữ thường là đối tượng có tỷ lệ bị mất ngủ cao hơn. Chủ yếu là do phụ nữ bị rối loạn nội tiết tố trong các thời điểm như có thai, chu kỳ kinh nguyệt, thời kỳ tiền mãn kinh...
  • Người đang có bệnh lý: Những người đang bị rối loạn sức khỏe tâm thần hoặc đang mắc phải một số bệnh lý khiến chất lượng giấc ngủ bị ảnh hưởng như đau dạ dày, đau cơ xơ hóa, tiểu đường, Parkinson, viêm khớp...
  • Người đang có tâm lý bất ổn: Người thường xuyên bị stress, áp lực, căng thẳng, gặp phải nhiều biến cố trong cuộc sống, gia đình cũng có nguy cơ cao gặp phải bệnh mất ngủ, ngủ không được ngon và sâu giấc.
  • Người có lối sống không hợp lý: Ngoài ra, những người thường xuyên thay đổi lịch trình công việc, ăn uống không đầy đủ chất, lười vận động, thức khuya nhiều, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích... cũng dễ gặp phải bệnh mất ngủ.

Nguyên nhân gây tình trạng mất ngủ

Bệnh mất ngủ thường xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau như:

Nguyên nhân mất ngủ
Nguyên nhân mất ngủ

1. Do các stress, áp lực

Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh mất ngủ. Đa phần những người trẻ thường dễ gặp phải các áp lực, stress từ công việc, gia đình hoặc từ học tập.

Tình trạng này kéo dài không được khắc phục sẽ gây ra rất nhiều tác hại nghiêm trọng đối với hệ thần kinh, nó không chỉ gây thiếu ngủ, mất ngủ trầm trọng mà còn dễ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe khác.

2. Do nhịp sinh học thay đổi

Nếu bạn thường xuyên đi du lịch, công tác đến những quốc gia có múi giờ khác với múi giờ đang sống, lịch làm việc thay đổi đột ngột, liên tục hoặc đang làm ca ngày nhưng phải chuyển sang ca đêm thì cũng khiến nhịp sinh học của cơ thể thay đổi, không ổn định.

3. Các rối loạn về giấc ngủ

Một số rối loạn có liên quan đến giấc ngủ cũng có thể là thủ phạm hình thành nên bệnh mất ngủ như đi tiểu liên tục vào ban đêm, hội chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh mất ngủ giả, chứng ngủ rũ Narcolepsy...

4. Ăn quá nhiều vào buổi tối

Vào buổi tối, trước khi đi ngủ, nếu bạn ăn quá nhiều, ăn quá no sẽ dẫn đến các hiện tượng đầy bụng, ợ chua, ợ hơi, trào ngược axit, khó tiêu... và khiến bạn cảm thấy khó chịu, khó đi vào giấc ngủ như bình thường.

Không chỉ bị mất ngủ, ăn quá nhiều trước khi đi ngủ còn làm tăng nguy cơ mắc thêm một số bệnh lý như tiểu đường, tim mạch, tăng cân, trào ngược dạ dày, ảnh hưởng tới hệ thần kinh...

5. Tác dụng phụ của thuốc

Nếu bạn thường xuyên lạm dụng một số loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, thuốc huyết áp, thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm, thuốc hen suyễn... trong thời gian dài cũng có nguy cơ cao bị mất ngủ.

Bên cạnh đó, trường hợp bạn mắc phải các bệnh lý như tim mạch, viêm xoang, trào ngược dạ dày, sỏi thận, bệnh về đường tiêu hóa, bệnh về hô hấp, ung thư, Alzheimer, Parkinson... và phải dùng thuốc thì một số thành phần của thuốc cũng gây ra tác dụng phụ là mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ.

6. Sử dụng chất kích thích

Sử dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, bia, rượu, trà... vào buổi chiều, vào buổi đêm cũng là nguyên nhân dẫn đến mất ngủ. Bởi trong chúng thường chứa thành phần khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hơn và thường cảm thấy mệt mỏi, uể oải vào buổi sáng khi thức dậy.

7. Ít vận động

Thói quen ít hoặc không vận động sẽ là nguyên nhân khiến cơ thể bạn luôn mệt mỏi, không muốn làm gì, chỉ muốn ngủ nhiều vào ban ngày nhưng vào ban đêm lại khó ngủ.

8. Nguyên nhân khác

Ngoài ra, bệnh mất ngủ cũng bắt nguồn từ việc sử dụng các thiết bị điện tử quá lâu trước khi đi ngủ, thời gian ngủ không phù hợp, ngủ nhiều vào buổi trưa hoặc do mắc phải một số bệnh lý về tuyến giáp, dạ dày, nội tiết tố, bệnh về xương khớp.

* Thông tin sức khỏe liên quan:

- Tư thế ngủ đúng cách

- Tác dụng nhụy hoa nghệ tây

- Uống cà phê có làm ngưng kinh nguyệt

- Mộng tinh là gì

Dấu hiệu của tình trạng mất ngủ

Các biểu hiện, dấu hiệu của bệnh mất ngủ điển hình bao gồm:

  • Cảm thấy khó ngủ vào ban đêm.
  • Dễ bị tỉnh giấc vào nửa đêm hoặc sáng sớm.
  • Dễ tỉnh ngủ khi chỉ nghe thấy một tiếng động nhỏ.
  • Bị trằn trọc thường xuyên, lúc tỉnh lúc ngủ, dù có cảm giác buồn ngủ nhưng không ngủ được.
  • Dễ bị mơ màng, thậm chí là khó ngủ lại sau khi bị thức giấc.
  • Cảm thấy uể oải, mệt mỏi, không thoải mái sau mỗi buổi sáng.
  • Luôn trong tình trạng lờ đờ, dễ quên, mất tập trung và khó tỉnh táo trong các hoạt động hàng ngày.
  • Dễ sinh tâm lý cáu gắt, bực bội, lo âu, tâm trạng thay đổi thất thường.

Các cách chữa trị bệnh mất ngủ hiệu quả hiện nay

Người bệnh khi gặp phải tình trạng mất ngủ diễn ra thường xuyên, liên tục và kéo dài từ vài tuần đến vài tháng thì tốt nhất, bệnh nhân nên chủ động tới phòng khám chuyên khoa uy tín để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra cách chữa phù hợp.

Các cách chữa trị bệnh mất ngủ hiệu quả hiện nay
Các cách chữa trị bệnh mất ngủ hiệu quả hiện nay

Hiện nay, phần lớn các cách chữa bệnh mất ngủ sẽ phụ thuộc vào mức độ, giai đoạn của bệnh, cụ thể:

Sử dụng thuốc

Đối với trường hợp bị mất ngủ, khó ngủ về ban đêm có thể sử dụng thuốc để chữa bệnh mất ngủ. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc có tác dụng kích thích não giúp cải thiện tình trạng bệnh, đồng thời giúp bệnh nhân dễ đi vào giấc ngủ hơn.

Có thể kể tới một số loại thuốc được sử dụng phổ biến như:

  • Thuốc bình thần: Đa phần là các loại thuốc có tác dụng giúp bệnh nhân nhanh chóng đi vào giấc ngủ. Tuy nhiên, chỉ áp dụng cho trường hợp gặp phải tình trạng mất ngủ ở mức độ nhẹ, trong thời gian ngắn.
  • Thuốc an thần: Tác dụng chính của các loại thuốc an thần là kích thích bệnh nhân ngủ ngon hơn, ngủ sâu hơn và giảm đi căng thẳng, stress với tác dụng gây buồn ngủ rất mạnh.
  • Thuốc ngủ: Đây là nhóm thuốc mang lại hiệu quả cải thiện bệnh nhanh chóng nên người bệnh chỉ nên sử dụng với liều lượng phù hợp.
  • Thuốc kháng histamin: Thường thì trường hợp bị mất ngủ do mắc phải các bệnh da liễu như hắc lào, chàm eczema, tổ đỉa, mề đay... Thuốc cũng có tác dụng cực mạnh và khiến bệnh nhân nhanh đi vào giấc ngủ sau khi sử dụng.

Mặc dù mang lại tác dụng hiệu quả nhưng việc sử dụng thuốc tây đôi khi lại xảy ra một số tác dụng phụ không mong muốn như rối loạn tiêu hóa, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu... Do đó, người bệnh cần chú ý sử dụng thuốc theo đúng chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và không tự ý tăng, giảm liều lượng thuốc.

Chữa bằng dân gian

Đây cũng là một trong những cách chữa bệnh mất ngủ phổ biến được nhiều người lựa chọn. Bởi cách này chủ yếu sử dụng các loại thảo dược có từ thiên nhiên với tác dụng tốt, giúp cải thiện bệnh hiệu quả và tốn ít chi phí.

Người bệnh có thể tham khảo một số bài thuốc chữa mất ngủ từ dân gian như:

  • Cây xạ đen: Đem sắc khoảng 200 – 300ml nước từ lá xạ đen rồi uống mỗi ngày sẽ giúp giảm cảm giác mệt mỏi, giúp đem lại sự tỉnh táo ở hệ thần kinh.
  • Cây lạc tiên: Lấy cây lạc tiên sắc với nước để uống mỗi ngày nhằm giúp cải thiện sức khỏe, đặc biệt là giúp cải thiện tình trạng mất ngủ khá hiệu quả. Hoặc lấy phần ngọn non, lá đem luộc, xào hoặc nấu canh ăn như bình thường.
  • Cây đinh lăng: Sắc lá đinh lăng thành thuốc rồi chia làm 2 phần bằng nhau uống vào buổi sáng, buổi tối trong vòng từ 7 – 10 ngày. Hoặc đem sắc lá đinh lăng với rau má, bạch trinh biển, hoàng liên, lá vông, tang diệp và hoàng bá rồi lấy thuốc để uống.
  • Mật ong: Đem pha mật ong cùng một cốc nước ấm rồi uống mỗi khi gặp phải tình trạng khó ngủ, mất ngủ sẽ thấy cơn buồn ngủ nhanh giảm đi.
  • Hạt sen: Có thể chế biến hạt sen thành nhiều món ăn bổ dưỡng giúp hỗ trợ điều trị bệnh, giúp đi sâu vào giấc ngủ như canh hạt sen, cháo sen, chè sen, gà hầm hạt sen...

Liệu pháp tâm lý

Trường hợp bị mất ngủ xuất phát từ nguyên nhân tâm lý, chủ yếu là do căng thẳng, stress, áp lực, suy nghĩ, gặp phải chuyện sốc thì có thể sử dụng liệu pháp tâm lý để chữa bệnh.

Cách tốt nhất là người bệnh cần tìm tới các chuyên gia, bác sĩ tâm lý để được chia sẻ, tư vấn đầy đủ, kỹ lưỡng về giải pháp giúp giải quyết tình trạng bệnh mất ngủ. Đồng thời, bệnh nhân cũng cần hạn chế các suy nghĩ có tính tiêu cực và tự giải tỏa căng thẳng bằng cách tập thiền, đọc sách, đi du lịch...

Chế độ ăn uống lành mạnh

Bệnh nhân khi bị mất ngủ, ngủ không ngon giấc vào ban đêm cũng cần thay đổi, điều chỉnh chế độ ăn uống của bản thân để giúp chất lượng giấc ngủ được cải thiện một cách hiệu quả, cụ thể:

  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu Tryptophan như chuối, thịt gà, vừng, sữa, đậu nành, lúa mạch...
  • Ăn các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin nhóm B12 như ngũ cốc tăng cường, cá hồi, ngao, thịt bò, gan động vật, cá mòi, phô mai, trứng... để giúp cơ thể được thư giãn, từ đó giúp dễ đi vào giấc ngủ.
  • Bổ sung thêm một số loại thực phẩm giàu magie như rau bina, hạt bí, lúa mạch, rau mồng tơi, quả bơ, rau muống, socola đen...
  • Có thể sử dụng một loại trà hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ như trà hoa đậu biếc, trà hoa cúc, trà gừng, trà hoa lạc tiên, trà hoa oải hương... trước khi đi ngủ khoảng 30 phút.
  • Hạn chế ăn các loại thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng, đồ ăn chứa nhiều chất béo, đồ ăn dễ gây đầy bụng, thức ăn nhanh trong quá trình chữa bệnh.
  • Tránh sử dụng cà phê, trà, bia rượu, nước ngọt có gas và các loại đồ uống chứa cafein.

Ngoài ra, cần tránh ăn quá no trước khi đi ngủ. Chỉ nên ăn lượng thức ăn vừa đủ vào bữa tối. Tốt nhất, nên ăn bữa tối trước khi đi ngủ khoảng 4 tiếng để giúp hệ tiêu hóa làm việc có hiệu quả, giúp tránh hiện tượng đầy bụng, khó tiêu.

Thực hiện các biện pháp thư giãn

Bệnh nhân cũng có thể áp dụng một số biện pháp giúp thư giãn cơ thể, tâm trạng trước khi đi ngủ như:

  • Ngâm chân với nước ấm trong 15 phút trước khi đi ngủ để giúp quá trình tuần hoàn máu diễn ra thuận lợi, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
  • Thực hiện massage – châm cứu – bấm huyệt nhằm giúp kích thích huyệt đạo, lưu thông khí huyết để ngủ ngon hơn, không bị thức giấc giữa đêm.
  • Sử dụng một số loại tinh dầu thơm trong phòng để làm giảm căng thẳng, từ đó giúp giấc ngủ chất lượng hơn như tinh dầu gỗ đàn hương, tinh dầu hoa oải hương, tinh dầu cam chanh, tinh dầu hoa hồng...

Điều chỉnh chế độ sinh hoạt phù hợp

Bên cạnh việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, bệnh nhân cũng cần thay đổi lại chế độ sinh hoạt và nhịp sinh học sao cho hợp lý bằng cách ngủ đủ và đúng giờ. Điều này sẽ giúp các hoạt động trong cơ thể được vận hành đều đặn, giúp ngủ ngon và tỉnh táo hơn mỗi khi thức dậy.

Hãy tránh vận động, tập luyện với cường độ cao trước khi đi ngủ, tránh ngủ trưa quá dài bởi việc này sẽ làm ảnh hưởng nhiều giấc ngủ chính. Nó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ.

Cách phòng tránh mất ngủ để ngủ ngon hơn

Mỗi người chúng ta hãy tự phòng tránh bệnh mất ngủ cho mình bằng một số biện pháp sau:

  • Tập cho mình thói quen đi ngủ đúng giờ, thức dậy vào giờ cố định vào cả ngày nghỉ lẫn ngày thường.
  • Tránh ăn quá no hoặc đi ngủ sau khi vừa ăn xong bởi sẽ làm bụng đầy hơi, căng tức khó chịu dẫn đến mất ngủ.
  • Hạn chế việc sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.
  • Tránh căng thẳng, stress, phiền muộn, lo lắng trong công việc, cuộc sống hàng ngày.
  • Có chế độ sinh hoạt lành mạnh, khoa học bằng cách bổ sung nhiều dinh dưỡng hợp lý, tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê...
  • Tăng cường luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe bằng những bài tập phù hợp với sức khỏe.
  • Tránh tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.

Trên đây là những thông tin về bệnh mất ngủ cùng một số vấn đề như nguyên nhân, dấu hiệu, cách chữa, cách phòng tránh để các bạn nắm rõ hơn. Từ đó giúp các bạn có thể tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình một cách đúng cách.

Tìm hiểu thêm về ngủ ngáy

Bác sĩ tư vấn bệnh

Theo dõi Google Tin tức của Thai Ha Clinic.

Google Tin tức