Đau vùng thượng vị là gì? Nguyên nhân và cách chữa trị

Cập nhật:

6/1/2023 10:19 AM

Tác giả:

BS. Vũ Hồng Lân

Đau thượng vị hay đau vùng thượng vị là gì? Nguyên nhân đau thượng vị do đâu? Các dấu hiệu nhận biết cũng như cách chữa trị như thế nào?

Đau thượng vị được coi là cơn đau thường gặp nhất trong các bệnh lý ở hệ tiêu hóa, nó có thể gặp ở mọi đối tượng khác nhau. Cảm giác đau nhức cực kỳ khó chịu không chỉ làm ảnh hưởng đến tâm lý, sinh hoạt hàng ngày mà còn gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Vậy đau thượng vị hay đau vùng thượng vị là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và mẹo chữa trị như thế nào? Mời các bạn hãy cùng tìm hiểu ngay bài viết dưới đây để nắm rõ hơn.

Tóm Tắt Tin Sức Khỏe [Hiện]

Đau thượng vị là gì?

Theo quan sát bằng mắt thường, thượng vị thường nằm ở phần trung tâm phía trên của bụng, vị trí chính là nằm ở trên rốn và cạnh mép sườn. Ta có thể quan sát và cảm nhận được khu vực này khá dễ dàng.

Đau thượng vị là hiện tượng đau âm ỉ, đau nhói hoặc thậm chí là đau quặn thắt ở vùng giữa bụng trên, phần từ rốn trở lên tới dưới xương ức. Tùy vào từng trường hợp, cơn đau có thể diễn ra ở mức độ nhẹ hoặc nặng.

Cơn đau có thể lan từ một vùng đến bất kỳ các vùng khác, ví dụ như có thể diễn ra từ vùng bụng ra phần sau lưng và có thể nhận biết được do cơn đau này hoàn toàn khác so với những cơn đau thông thường.

Đa phần đau thượng vị là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý ở đường tiêu hóa như bệnh về tuyến tụy, tá tràng, dạ dày, túi mật... hoặc cũng có thể là hiện tượng của một tình trạng nguy hiểm nào đó.

Đau thượng vị là gì?
Đau thượng vị là gì?

Thông thường, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau thượng vị ở những thời điểm khác nhau tùy vào từng trường hợp:

  • Đau khi đói: Đây là hiện tượng thường gặp do khi bụng đói, dạ dày rỗng và không chứa chất dinh dưỡng khiến dịch vị tiết ra nhiều axit hơn, làm tổn thương niêm mạc dạ dày và dẫn đến các cơn đau nhói khó chịu.
  • Đau sau khi ăn: Nguyên nhân thường là do phần niêm mạc dạ dày xuất hiện hiện tượng viêm loét, tổn thương và khi thức ăn có sự ma sát với những ổ loét đó sẽ tạo ra các cơn đau âm ỉ, thậm chí là dữ dội sau mỗi khi ăn.
  • Đau về đêm: Trường hợp này, cơn đau thường diễn ra liên tục vào khoảng 1 – 2 giờ sáng do thức ăn dù đã được tiêu hóa hết nhưng dịch axit vẫn được tiết ra khiến vùng niêm mạc bị tổn thương, từ đó dẫn đến nhiều bệnh lý như trào ngược dạ dày, viêm loét tá tràng, dạ dày, viêm tụy...

Mặc dù đau thượng vị không phải lúc nào cũng là đau ở dạ dày mà thực tế, có rất nhiều bệnh lý nghiêm trọng cũng có triệu chứng này. Vì vậy, bệnh nhân nên cảnh giác và chủ động đi thăm khám để được bác sĩ tư vấn cách điều trị phù hợp, tránh những biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe.

Triệu chứng và những dấu hiệu nhận biết đau thượng vị

Thông thường, ngoài các cơn đau khó chịu ở vùng thượng vị, bệnh nhân còn gặp thêm nhiều biểu hiện, triệu chứng có liên quan khác đi kèm như:

Đau tức

Là cảm giác đau tức kèm theo một số triệu chứng khác như ợ nóng, ợ hơi, khó thở, tức ngực... rất khó chịu.

Đau âm ỉ, râm ran

Các cơn đau thường diễn ra âm ỉ, râm ran và kéo dài từ 15 – 20 phút rồi thường xuyên lặp lại. Mặc dù không quá nghiêm trọng nhưng lại gây ra rất nhiều khó khăn, bất tiện làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống của bệnh nhân.

Đau nhói

Sau một thời gian, các cơn đau tức, âm ỉ sẽ tiến triển sang đau nhói, tăng nhanh về tần suất và mức độ xuất hiện. Cơn đau thường diễn ra bất chợt, đột ngột và xuất hiện sau khi ăn xong kèm cảm giác giống bị dao đâm trong trường hợp bị thủng dạ dày.

Đau thắt

Những cơn đau thắt diễn ra ở vùng thượng vị thường khiến bệnh nhân có cảm giác rất khó chịu, cơn đau diễn ra đột ngột giống bị bóp nghẹt và thường kèm theo những triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, nôn ói...

Đau quặn từng cơn

Trong trường hợp này, các cơn đau quặn thường diễn ra theo một khoảng thời gian cố định, lặp lại thường xuyên trong ngày và chia thành nhiều đợt đau khác nhau, thời gian đau thường không quá lâu.

Các cơn đau dữ dội, đau quặn này thường khiến người bệnh luôn cảm thấy sợ hãi, mệt mỏi, không muốn ăn uống. Nếu không kịp thời xử lý, người bệnh có thể phải đối mặt với hiện tượng thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày cực kỳ nguy hiểm.

Đau kiểu nóng rát

Cơn đau này thường xuất hiện sau khi bệnh nhân ăn các loại thức ăn chứa nhiều gia vị cay, nóng, thức ăn khó tiêu khiến phần niêm mạc dạ dày bị kích ứng và nóng lên.

Khi đó, bệnh nhân có thể cảm thấy dạ dày của mình đang có hiện tượng cồn cào, nóng rát rất khó chịu kèm theo một số biểu hiện khác như chướng bụng, đầy hơi, đau bụng, mệt mỏi, khó tiêu.

Đau lan ra sau lưng

Khi các vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, cơn đau còn lan ra bên sau lưng kéo dài khiến người bệnh cảm thấy rất mệt mỏi, khó chịu.

Chướng bụng, khó tiêu

Khi bị đau thượng vị và rối loạn chức năng tiêu hóa, bệnh nhân luôn phải đối mặt với tình trạng tức bụng, đầy bụng, ợ hơi, khó tiêu, táo bón. Các biểu hiện này khiến bệnh nhân khó xác định được mình mắc phải bệnh lý nào và không chịu đi thăm khám, chữa trị.

* Tin sức khỏe liên quan có thể bạn sẽ quan tâm:

Đau bụng dưới ở nữ

Đau tinh hoàn là gì

Tư thế ngủ đúng cách tốt cho sức khỏe

Thượng mã phong là gì

Cách chế biến hàu

Cách tăng cân an toàn

Nguyên nhân gây ra hiện tượng đau thượng vị

Theo một thống kê, có đến 70% trường hợp mắc phải các bệnh lý về dạ dày, trong đó có khoảng 40% trường hợp bị đau âm ỉ, râm ran kéo dài ở vùng thượng vị. Bệnh nhân cần chủ động đi thăm khám, điều trị ngay từ khi bệnh ở giai đoạn đầu để tránh bệnh tiến triển nặng thêm.

Nguyên nhân gây ra hiện tượng đau thượng vị
Nguyên nhân gây ra hiện tượng đau thượng vị

Hiện tượng đau thượng vị thường bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau sau:

Do bệnh lý

Đây là nguyên nhân hàng đầu gây đau tức vùng thượng vị mà không phải ai cũng biết rõ. Có rất nhiều loại bệnh lý gây ra những cơn đau ở thượng vị như:

  • Viêm loét dạ dày: Nguyên nhân gây bệnh là do lượng axit tiết ra quá nhiều, do vi khuẩn HP cùng một số hại khuẩn khác gây ra làm tổn thương niêm mạc dạ dày dẫn đến các cơn đau với tần suất cao, buồn nôn, mệt mỏi, không muốn ăn uống.
  • Thủng dạ dày: Khi bị thủng dạ dày thường có những cơn đau nhói giống như bị dao đâm, có cảm giác cứng ở vùng bụng, khó đứng thẳng và rất dễ bị ngất xỉu, choáng váng. Khi đó cần được cấp cứu kịp thời để tránh nguy hiểm cho tính mạng.
  • Viêm thực quản: Chủ yếu là do nhiễm trùng, do dị ứng hoặc do trào ngược dạ dày dẫn đến các biểu hiện như nuốt khó, đau rát khi nuốt, đau ngực, đau họng, ho khan, đau thượng vị, ợ chua, chán ăn, mất khẩu vị.
  • Barrett thực quản: Đây là loại bệnh thường gặp ở nam giới tuổi trung niên với những biểu hiện liên quan từ các bệnh lý khác như ợ nóng, ợ chua, ợ hơi, khó nuốt, buồn nôn, nóng rát kèm đau thượng vị, đi đại tiện ra máu, sụt cân nhanh chóng.
  • Các bệnh về dạ dày: Một số bệnh lý về dạ dày như viêm loét dạ dày – tá tràng mạn tính, loét dạ dày, ung thư dạ dày, xuất huyết dạ dày, viêm hang vị dạ dày...
  • Các bệnh về gan: Những người mắc phải về gan như viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan, suy gan, áp xe gan... cũng có biểu hiện đau thượng vị kèm theo một số dấu hiệu khác như vàng da, mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ, sụt cân... khi bệnh đã tiến triển xấu.
  • Bệnh liên quan đến mật: Một số bệnh lý như tắc ống dẫn mật, viêm túi mật, viêm đường mật, sỏi mật, nhiễm trùng ống mật, vỡ túi mật, áp xe túi mật... thường xuất hiện cơn đau ở thượng vị. Về sau, khi bệnh chuyển nặng, các cơn đau sẽ diễn ra liên tục, thường xuyên với tần suất lớn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt.
  • Viêm ruột thừa: Ban đầu, cơn đau chỉ diễn ra ở vùng thượng vị, quanh rốn, sau đó lan dần xuống vùng hố chậu kèm một số dấu hiệu như buồn nôn, sốt nhẹ, chán ăn... Nếu để lâu, bệnh rất dễ biến chứng thành viêm phúc mạc, thủng ruột thừa, tắc ruột.

Do thói quen ăn uống

Thói quen ăn uống không hợp lý, lành mạnh là một trong những nguyên nhân tiếp theo gây ra đau thượng vị. Có thể kể tới nhiều thói quen xấu trong ăn uống dễ gây đau như:

  • Ăn quá nhiều, ăn no, ăn đêm hoặc thường xuyên nhịn ăn để bụng quá đói.
  • Ăn nhiều loại thực phẩm, đồ ăn chua, cay, nóng, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ.
  • Ăn uống không đủ dinh dưỡng, thiếu chất hoặc thừa chất.

Sử dụng chất kích thích

Việc sử dụng quá nhiều, thường xuyên sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, cà phê, đồ uống chứa cồn, đồ uống có gas, hút thuốc lá... sẽ rất dễ làm tổn thương, suy yếu niêm mạc dạ dày. Tình trạng này kéo dài sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và có thể đi kèm với các bệnh lý về tụy, dạ dày, gan, thận... và có các cơn đau ở vùng thượng vị.

Khó tiêu kéo dài

Đây là hiện tượng thường xảy ra sau khi ăn, nguyên nhân chính là do lượng axit tiết ra từ dạ dày kích ứng phần niêm mạc khiến thức ăn không thể tiêu hóa theo đúng quy trình tự nhiên.

Các triệu chứng điển hình của chứng khó tiêu bao gồm ợ chua, ợ hơi, đau vùng thượng vị, khó chịu, đầy bụng, buồn nôn... Bệnh nhân thường bị khó tiêu mỗi khi cúi xuống hoặc nằm khiến axit bị trào ngược lên vùng thực quản nhiều hơn.

Trào ngược axit

Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây đau thượng vị mà rất nhiều người gặp phải. Bệnh nhân khi bị trào ngược axit thường có cảm giác đau khó chịu ở cổ họng và ngực, ợ hơi, ợ chua, chua miệng, khó tiêu, đầy bụng, đầy hơi, khó nuốt...

Nếu kéo dài và không có biện pháp xử lý, trào ngược axit còn khiến van dạ dày không đóng kín, hơi thở có mùi hôi, thậm chí là xuất hiện khối u lạ ở cổ họng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bệnh nhân.

Không dung nạp Lactose

Lactose là một chất chủ yếu có trong các loại sản phẩm từ sữa, sữa động vật. Với những người không thể dung nạp Lactose khiến cơ thể không đủ sản xuất ra lượng enzyme trong ruột non sẽ rất dễ bị đau thượng vị cùng một số triệu chứng như chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn.

Thoát vị cơ hoành

Thoát vị cơ hoành là hiện tượng cấu trúc của cơ hoành yếu và khiến một phần dạ dày bị đẩy vào cơ hoành thông qua thực quản. Điều này gây ra các biểu hiện điển hình như khó chịu, đau ở vùng thượng vị, đau vùng lưng, khó nuốt, nóng ngực, ợ nóng, khó tiêu, đau họng.

Do mang thai

Không chỉ người bình thường mà phụ nữ mang thai cũng rất dễ bị đau thượng vị. Nguyên nhân là do khi thai nhi ngày càng phát triển, hormone thay đổi, đồng thời tử cung cũng sẽ càng mở rộng và chèn ép vào một số cơ quan nội tạng xung quanh và gây ra các cơn đau nhức khó chịu ở bụng dưới, vùng thượng vị.

Trong một số trường hợp, thai phụ khi bị đau thượng vị với những cơn đau dữ dội, nghiêm trọng và xuất hiện thường xuyên, liên tục cũng có thể là dấu hiệu của tiền sản giật, một bệnh lý thường gặp trong thai kỳ. Khi đó, các mẹ cần nhanh chóng đi thăm khám để được bác sĩ tư vấn cách điều trị phù hợp.

Rối loạn chức năng túi mật

Đây là hiện tượng bắt nguồn từ sỏi mật, viêm túi mật khiến các túi mật bị bịt kín, không mở ra được. Từ đó gây ra các biểu hiện điển hình như chướng bụng thường xuyên, đau dữ dội ở vùng thượng vị, vàng da, ăn không ngon, phân có màu đen.

Tác dụng phụ của thuốc

Trong một số trường hợp, đau thượng vị cũng là hậu quả của việc lạm dụng một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không chứa steroid... Các loại thuốc này khi đưa vào cơ thể sẽ dễ làm tổn thương, gây ra các cơn đau đột ngột, bất ngờ ở vùng thượng vị.

Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân khác gây đau thượng vị cùng những biểu hiện bất thường đi kèm. Để biết chính xác, bệnh nhân cần chủ động tới những địa chỉ uy tín, tin cậy để thăm khám, kiểm tra cụ thể.

Các cách chữa trị đau thượng vị

Ngay khi gặp phải những dấu hiệu, biểu hiện bị đau thượng vị, người bệnh cần chủ động tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám kịp thời. Sau khi tiến hành kiểm tra, làm xét nghiệm, chẩn đoán, bác sĩ sẽ kết luận và đưa ra cách chữa phù hợp đối với từng trường hợp.

Cách chữa đau thượng vị sẽ tùy thuộc vào mức độ tổn thương nhẹ hay nặng, tùy vào nguyên nhân cụ thể, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể. Dưới đây là một số mẹo chữa trị đau thượng vị phổ biến dành cho bệnh nhân như:

Dùng thuốc tây

Thông thường, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc nhằm làm giảm đi các cơn đau cho bệnh nhân một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, thuốc cũng có tác dụng ức chế quá trình tiết ra axit dạ dày, ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng.

Chữa đau thượng vị bằng thuốc
Chữa đau thượng vị bằng thuốc
  • Thuốc kháng axit: Đây là những nhóm thuốc có tác dụng trung hòa, cân bằng axit dịch vụ, cải thiện các biểu hiện đau nhức cho những trường hợp mắc phải các bệnh lý về dạ dày, điển hình nhất là trào ngược dạ dày.
  • Thuốc giảm đau: Các loại thuốc này thường được điều trị cho những trường hợp có các cơn đau kéo dài, liên tục làm ảnh hưởng đến tâm lý, sinh hoạt hàng ngày.
  • Thuốc chẹn H2: Tác dụng chính của loại thuốc này là làm giảm lượng axit tiết ra, ngăn chặn không cho histamin tác động trực tiếp vào niêm mạc dạ dày.
  • Thuốc kháng sinh: Nếu bệnh nhân bị viêm loét dạ dày hoặc bị bệnh lý có liên quan đến nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng loại thuốc này.

Mặc dù sử dụng thuốc được coi là cách chữa nhanh chóng, đơn giản, giúp cải thiện bệnh hiệu quả nhưng nếu lạm dụng, nó sẽ dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc, hãy chú ý tuân thủ việc dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Trong trường hợp đau thượng vị nặng, sử dụng thuốc không có tác dụng và các biểu hiện của bệnh diễn ra với mức độ nghiêm trọng, bác sĩ cần tiến hành làm phẫu thuật mổ mở hoặc nội soi tùy vào từng trường hợp. Khi đó, bệnh nhân cần được nhập viện, theo dõi tình trạng sức khỏe đầy đủ, cẩn thận.

Sử dụng mẹo dân gian

Với những trường hợp cơn đau thượng vị không quá nghiêm trọng, bệnh ở mức độ nhẹ thì bệnh nhân có thể tham khảo một số mẹo dân gian sau để giúp làm giảm đi những cơn đau khó chịu:

Điều trị đau thượng vị bằng mẹo dân gian tại nhà
Điều trị đau thượng vị bằng mẹo dân gian tại nhà

Củ nghệ

Nghệ thường chứa curcumin, một chất có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn và giúp làm giảm lượng axit dư thừa ở dạ dày rất tốt. Bên cạnh đó, hoạt chất này còn giúp giảm viêm loét, giảm các cơn đau cũng như các triệu chứng của bệnh khá hiệu quả.

Cách thực hiện: Pha đều tinh bột nghệ với mật ong với một lượng nước ấm phù hợp để uống vào sáng, tối hàng ngày. Hoặc có thể chế biến thành viên hoàn nghệ và mật ong để sử dụng trong ngày, mỗi lần cần sử dụng 1 viên/ngày.

Tỏi

Trong đông y, tỏi thường có mùi vị cay, tính ấm, hăng với nhiều công dụng như cân bằng độ pH, ổn định lượng axit trong dạ dày, giúp ngăn ngừa các cơn đau. Ngoài ra, nó còn giúp làm giảm nhanh các biểu hiện liên quan như nóng rát thượng vị, đầy bụng, khó tiêu...

Cách thực hiện: Người bệnh có thể ăn từng tép tỏi sống hàng ngày, đem giã nát tỏi lấy nước để uống hoặc đem tỏi ngâm cùng mật ong trong một bình thủy tinh sạch, hàng ngày cần lấy 1 thìa tỏi ngâm cùng mật ong pha với nước ấm để uống cũng đều có hiệu quả.

Nước ép bắp cải

Ít ai biết rằng, nước ép bắp cải cũng là một trong những mẹo trị đau thượng vị khá hiệu quả. Trong loại nước này thường chứa vitamin U không chỉ giúp giảm đau mà còn hỗ trợ làm lành nhanh các tổn thương, viêm loét ở niêm mạc dạ dày.

Để giữ được hàm lượng vitamin U thiết yếu, mọi người nên sử dụng bắp cải tươi thay vì đem đun, chần hoặc luộc lên.

Cách thực hiện: Tách lá một 1kg bắp cải tươi rồi đem rửa sạch, để cho ráo nước. Sau đó, đem ép tươi rồi chắt lấy phần nước, chia làm 3 – 4 lần uống trong ngày.

Chuối hột

Theo nhiều nghiên cứu, chuối hột thường có tính ôn, vị chát, hơi đắng và có nhiều công dụng như tiêu độc, thông tiểu, giải nhiệt, kháng khuẩn, hỗ trợ làm giảm các cơn đau khó chịu. Ngoài ra, loại chuối này còn chứa thành phần kháng khuẩn có khả năng làm lành nhanh các tổn thương ở bề mặt niêm mạc dạ dày. Do đó, những ai đang bị đau thượng vị thì có thể tham khảo cách chữa từ chuối hột này.

Cách thực hiện: Rửa sạch chuối hột, thái thành từng lát mỏng rồi đem phơi trong bóng râm cho đến khi khô lại, sau đó tán thành bột mịn. Khi bị đau bụng, cần lấy 2 thìa bột pha với nước ấm rồi uống 1 lần/ngày trong 1 tuần liên tục.

Nha đam

Nha đam (tên gọi khác là lô hội) là một loại cây chứa nhiều hoạt chất có lợi như glucomannan, anthraquinon có tác dụng làm giảm lượng axit tiết ra, ngăn ngừa hiện tượng trào ngược và làm giảm triệu chứng ợ chua, ợ nóng rất hiệu quả. Không những vậy, nha đam còn có tính nhuận tràng, giúp quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi và giảm tình trạng ứ đọng thức ăn ở dạ dày, hỗ trợ làm giảm các cơn đau ở thượng vị.

Cách thực hiện: Rửa sạch một lá nha đam tươi rồi bỏ phần vỏ, tách lấy ruột nha đam rồi đem xay nhuyễn với nước ấm. Lấy khoảng 2 thìa hỗn hợp nha đam pha với nước rồi uống hàng ngày, uống 2 cốc/ngày để giúp giảm các cơn đau khó chịu.

Thay đổi chế độ sinh hoạt

Trong quá trình chữa đau thượng vị, bệnh nhân cũng cần chú ý điều chỉnh, xây dựng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt sao cho lành mạnh, hợp lý để giúp việc điều trị mang lại hiệu quả, cụ thể:

  • Thực hiện một chế độ ăn uống phù hợp, ăn đúng giờ và tránh ăn quá nhanh, quá no hoặc bỏ đói. Có thể chia nhỏ khẩu phần ăn hàng ngày, khoảng 4 – 5 bữa/ngày là hợp lý.
  • Nên ăn lượng thức ăn phù hợp, không quá nhiều nhưng cũng không quá ít để giúp quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi, đảm bảo hiệu quả.
  • Nên ăn những loại thức ăn, thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa. Cần ăn uống từ tốn, ăn chậm nhai kỹ, tránh ăn quá vội vàng.
  • Nên bổ sung thực phẩm giàu omega-3, omega-6, hoa quả, các loại rau xanh như súp lơ, rau mồng tơi, rau lang, rau dền, cải xoăn... để cung cấp vitamin, chất xơ nhằm hỗ trợ quá trình tiêu hóa và phòng tránh táo bón.
  • Có thể bổ sung các loại thực phẩm giúp trung hòa axit trong dạ dày như cà rốt, rau bắp cải, đậu xanh, rau bạc hà, rau chân vịt, dưa hấu, gừng, các sản phẩm từ đậu nành...
  • Hạn chế ăn các loại thức ăn chứa axit, đồ ăn cay nóng, đồ khô, món chiên xào, các món sống... bởi chúng sẽ khiến cơn đau ở thượng vị trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Nên sử dụng các loại sữa chua lợi khuẩn, men tiêu hóa để vừa giúp quá trình chuyển hóa thức ăn diễn ra nhanh, vừa giúp cải thiện chứng khó tiêu, đầy bụng.
  • Hạn chế hoặc tránh sử dụng bia, rượu, các chất kích thích, thuốc lá và các chất có hại khác trong quá trình chữa đau thượng vị.
  • Sau khi ăn xong, cần tránh nằm hoặc vận động ngay sau khi ăn bởi sẽ dễ khiến axit trào ngược, từ đó khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
  • Tăng cường tập thể dục thể thao hàng ngày để giúp nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng nhằm giúp việc điều trị bệnh diễn ra hiệu quả.
  • Duy trì một thói quen sống khoa học, sắp xếp công việc và thời gian nghỉ ngơi phù hợp.
  • Tránh lạm dụng, sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh khi không thực sự cần thiết, đặc biệt là với nhóm thuốc giảm đau, thuốc có chứa corticoid, thuốc không chứa steroid. Việc sử dụng loại thuốc nào cũng nên tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
  • Giữ cho mình một tinh thần thoải mái, suy nghĩ tích cực, vui vẻ. Tránh căng thẳng, phiền muộn, stress kéo dài vì sẽ vừa làm ảnh hưởng đến tâm lý, vừa ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh.
  • Nên tuân thủ theo đúng hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ để giúp chữa dứt điểm bệnh và giúp hạn chế bệnh tái phát.

Đau thượng vị là một dấu hiệu mà mọi người không nên xem thường, chủ quan bởi nó có thể là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý nguy hiểm. Để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe, mọi người cần chủ động đi thăm khám, chữa trị khi nhận thấy có biểu hiện này.

Bác sĩ tư vấn bệnh

Theo dõi Google Tin tức của Thai Ha Clinic.

Google Tin tức